PHÒNG CHỐNG TĂNG HUYẾT ÁP VÀ BIẾN CHỨNG CỦA TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh rất thường gặp và là một vấn đề xã hội. THA nguy hiểm bởi các biến chứng không chỉ gây chết người mà còn để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

 1. Thế nào là Tăng huyết áp?

  • Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa/ số trên) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu/ số dưới) ≥ 90 mmHg.
  • Tăng huyết áp gây ra những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Một nửa số người tăng huyết áp không biết mình bị bệnh, do tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm, không biểu hiện triệu chứng gì.

2. Vậy làm thế nào để biết mình bị Tăng huyết áp?
Đo huyết áp – là cách duy nhất để biết mình có bị Tăng huyết áp hay không

                                                 Nguồn hình: internet

3. Biến chứng của Tăng huyết áp?

  • Đột quỵ
  • Giảm thị lực, mù lòa
  • Suy tim, nhồi máu cơ tim
  • Phình, bóc tách thành động mạch
  • Suy thận

4. Các yếu tố nguy cơ của Tăng huyết áp?

  • Tăng huyết áp thường vô căn, nhưng ghi nhận một số yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến tăng huyết áp như:

     Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:

  • Tuổi (tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc tăng huyết áp)
  • Yếu tố di truyền (gia đình có người mắc tăng huyết áp)
  • Giới tính (nam hoặc nữ đã mãn kinh)

    Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:

  • Chế độ ăn nhiều muối
  • Hút thuốc lá
  • Uống nhiều bia rượu
  • Rối loạn lipid máu
  • Đái tháo đường
  • Béo phì, ít vận động thể lực
  • Áp lực tâm lý, căng thẳng, lo âu quá mức

5. Đại đa số Tăng huyết áp ở người lớn là Tăng huyết áp vô căn (hay THA nguyên phát) chiếm đến 95%. Vậy khi nào cần tìm nguyên nhân gây ra Tăng huyết áp?

Cần lưu ý tìm ra nguyên nhân gây Tăng huyết áp thứ phát trong các trường hợp sau:

  • Phát hiện ra Tăng huyết áp ở tuổi trẻ < 30 tuổi
  • Tăng huyết áp rất khó khống chế bằng thuốc
  • Tăng huyết áp tiến triển nhanh hoặc Tăng huyết áp ác tính
  • Có biểu hiện bệnh lý ở cơ quan khác gợi ý nguyên nhân tăng huyết áp (thận, tuyến giáp, …)

6. Các biện pháp dự phòng Tăng huyết áp?

  • Luyện tập thể dục, đi bộ 30 – 45 phút/ngày
  • Ăn nhạt, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi
  • Hạn chế ăn dầu mỡ động vật, thức ăn chứa nhiều cholesterol (chất béo)
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia
  • Không hút thuốc
  • Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý
  • Giảm căng thẳng

7. Tuân thủ điều trị góp phần phòng chống biến chứng Tăng huyết áp

                                       Nguồn hình: internet

8. Cách theo dõi huyết áp tại nhà

Người bệnh cần biết cách đo huyết áp đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế:

  • Ngồi nghỉ ít nhất 5 – 10 phút trước khi đo, trong phòng yên tĩnh.
  • Không dùng chất kích thích (cà phê, thuốc lá) trước đó khoảng 2 giờ.
  • Tư thế đo: ngồi ghế tựa, thả lỏng toàn thân, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Có thể đo ở các tự thế nằm hoặc ngồi.
  • Sử dụng huyết áp kế điện tử có: bề dài bao đo tối thiểu bằng 80% và bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng đủ chặt, bờ dưới bao đo ở trên nếp khuỷu 2cm.
  • Nên đo huyết áp ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 – 2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh lệch nhau 10mmHg thì cần đo lại lần 3 sau khi đã nghỉ trên 5 phút.

9. Thuốc điều trị Tăng huyết áp

Hiện nay, có rất nhiều thuốc được dùng để điều trị Tăng huyết áp cũng như điều trị phòng ngừa những biến chứng, gồm có:

  • Nhóm thuốc lợi tiểu
  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển
  • Nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II
  • Nhóm thuốc chẹn kênh calci
  • Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm

Bác sĩ có thể chỉ định điều trị cho người bệnh bằng một loại thuốc hoặc kết hợp nhiều nhóm thuốc với nhau, tùy theo đáp ứng lâm sàng của mỗi người nhằm đạt được huyết áp mục tiêu.

Tác giả: BSCKII. Nguyễn Minh Thiện – PhóTrưởng Khoa Nội tim mạch

 Tài liệu tham khảo

  1. World Health Organization, “Hypertension”, April 26, 2021.
  2. World Health Organization, “The top 10 causes of death”, April 26, 2021.
  3. Châu Ngọc Hoa (2020), “Tăng huyết áp”, Bệnh học nội khoa, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Y học.
  4. Dự án phòng, chống bệnh tim mạch – Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, 2020.
  5. Hội tim mạch học Việt Nam (2022), “Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp”.

Website đang trong quá trình nâng cấp. Truy cập cc.bvdkkvcuchi.vn để xem phiên bản cũ.

X