Sử dụng thuốc kháng sinh: “Kháng kháng sinh đang là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu… sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng kháng sinh đã gây nên mối đe dọa tính mạng người bệnh do các vi khuẩn gia tăng đề kháng đối với nhiều loại kháng sinh và trong một số trường hợp kháng với tất cả các kháng sinh hiện có…” [1] Bạn hãy thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó con cháu chúng ta hay thậm chí là bản thân chúng ta sẽ như thế nào nếu bị nhiễm khuẩn mà tất cả các loại kháng sinh đều không có tác dụng? Vì vậy, chúng ta hãy thật sáng suốt khi sử dụng bất cứ một loại thuốc gì, đặc biệt là các kháng sinh, hãy dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Hãy là người sử dụng thuốc thông minh
Mỗi khi ốm đau, người bệnh thường có tâm lý ngại đi khám bệnh vì nhiều lý do mà thường đến nhà thuốc khai bệnh rồi mua thuốc về uống hoặc mang theo toa cũ để mua, hay đáng ngại hơn là người bệnh tự ra toa và yêu cầu nhân viên bán thuốc theo ý muốn của mình.
Một người khi dùng thuốc không đúng chỉ định, bỏ thuốc giữa chừng, tự ý mua thuốc, dùng theo đơn cũ hay đơn của người khác, dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của người không có chuyên môn về y dược, không hiểu rõ về thuốc đang sử dụng… tất cả đều được xem là dùng thuốc không thông minh.
Việc dùng thuốc không thông minh có thể gây ra những phản ứng phụ, nhẹ thì nôn mửa, khó chịu, đau đầu, chóng mặt,… nhưng đôi khi cũng dẫn đến những hậu quả khôn lường, thậm chí người bệnh phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình.
Vậy nên dùng thuốc như thế nào được xem là thông minh?
Đối với những thuốc kê đơn, nhất là các thuốc kháng sinh, các thuốc corticosteroid, thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm không steroid (ngoại trừ aspirin và paracetamol): hãy dành quyền chỉ định cho bác sĩ.
Sử dụng các corticosteroid: “Corticosteroid là những hormone được bài tiết từ vỏ thượng thận hoặc được tổng hợp… Dược lý của các corticosteroid phức tạp và có tác dụng trên phạm vi rộng. Corticosteroid được dùng với liều thấp (liều sinh lý) để thay thế hormone nội sinh bị thiếu hụt. Với liều cao (liều theo tác dụng dược lý), glucocorticoid có tác dụng chống viêm, làm giảm đáp ứng miễn dịch, kích thích tủy xương tạo hồng cầu, làm tăng dị hóa protein, làm giảm hấp thu ở ruột, làm tăng đường huyết, tăng huyết áp, tăng đào thải calci qua thận, tăng phân bố lại mỡ và gây hội chứng Cushing… Các tác dụng không mong muốn của glucocorticoid: đái tháo đường và loãng xương, đặc biệt nặng ở người cao tuổi, có thể dẫn đến gãy xương đùi hoặc xương sống. Teo cơ, loét và thủng dạ dày có thể xảy ra. Liều cao có thể gây hoại tử vô mạch cổ xương đùi, rối loạn tâm thần… Vết thương khó liền sẹo, nhiễm khuẩn và da mỏng, nhiễm khuẩn dễ lan rộng do phản ứng ở mô bị suy giảm…”[2]. Một trong những tác hại mà bạn có thể đã biết, đó là dị ứng da do dùng các loại kem có trộn lẫn các thuốc corticosteroid làm da bị tổn thương nghiêm trọng, hay các thuốc đông y chữa các chứng đau dùng cho người lớn tuổi có trộn lẫn corticosteroid gây loãng xương có khi dẫn đến gãy xương…
Sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt kháng viêm không steroid: “Đây là nhóm các acid hữu cơ có tính chất giảm đau, kháng viêm và hạ nhiệt… các thuốc kháng viêm không steroid được dùng để giảm đau nhẹ và vừa, khi sốt nhẹ, trong các bệnh lý viêm cấp tính và mạn tính như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp… Các thuốc này còn có thể được chỉ định trong giảm đau sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật, làm giảm đau bụng khi hành kinh, viêm phần phụ, hỗ trợ trong nhiễm khuẩn tai – mũi – họng và răng – hàm – mặt cấp tính” [3]. Tuy nhiên khi sử dụng các thuốc nhóm này bạn cần hết sức thận trọng và phải tuân thủ theo đúng chỉ định của thầy thuốc vì các tác dụng phụ thường gặp ở nhóm này như: viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm gan, suy gan, suy thận…
Triệu chứng nổi mề đay do dị ứng thuốc
Triệu chứng phù mi mắt do dị ứng thuốc
Đối với những thuốc không kê đơn: Cũng cần chú ý đến các loại thuốc thông thường hay được sử dụng như đau đầu, cảm, sổ mũi, hay chỉ là các loại thuốc bổ sung Vitamin và khoáng chất…
Với thuốc giảm đau thông thường hay được sử dụng là Paracetamol, người sử dụng cũng cần lưu ý liều dùng và khoảng cách giữa các liều để bảo vệ gan tránh bị tổn thương.
Với các thuốc điều trị cảm, sổ mũi cũng cần lưu ý khi vận hành máy móc, vì trong thành phần của các thuốc này thường có chứa các thuốc kháng histamin là thuốc chống dị ứng, sẽ dễ gây ra các cơn buồn ngủ.
Với các loại thuốc bổ sung Vitamin và khoáng chất cũng tương tự, cần uống đúng liều đúng thời gian chứ không tùy tiện uống vì có một số loại Vitamin sẽ tích lũy gây ngộ độc như Vitamin A, D…
Tạm kết
Chúng ta cần biết rằng thuốc là con dao 2 lưỡi, nếu dùng đúng thì thuốc sẽ là công cụ hữu hiệu trong việc phòng và chữa bệnh, ngược lại nếu tự ý sử dụng mà không được chỉ định và hướng dẫn đúng, thuốc cũng có thể gây hại cho bất cứ người nào nếu không được sử dụng hợp lý.
Vì thế, mỗi khi gặp các vấn để về sức khỏe hoặc bất kỳ khi nào muốn sử dụng thuốc, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để thăm khám cụ thể về tình trạng của mình, từ đó có hướng giải quyết thích hợp. Tuyệt đối tránh trường hợp sử dụng lại đơn thuốc cũ vì mỗi đơn thuốc chỉ dành cho một cá nhân ở một thời điểm và trong một điều kiện nhất định, việc bệnh nhân được thăm khám và tư vấn dùng thuốc đúng cách là rất quan trọng.
Trên đây là một vài điều giúp chúng ta hiểu rõ hơn thế nào là dùng thuốc thông minh và không thông minh, còn việc lựa chọn dùng thuốc thông minh hay không là tùy thuộc mỗi người.
Hãy trở thành người sử dụng thuốc thông minh bạn nhé !!
DS. Nguyễn Thị Yến Nhi – Khoa Dược
Tài liệu tham khảo:
– [1]Theo quyết định 127/QĐ-BYT 2019 Hướng dẫn thực hiện giám sát quốc gia về kháng kháng sinh.
– [2],[3] Theo Dược thư quốc gia Việt Nam 2017 dùng cho tuyến y tế cơ sở, trang 602.
– Nguồn hình ảnh: từ Internet.