Những điều cần biết về bệnh lao phổi

Theo báo cáo của của tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Vậy bệnh lao phổi là gì ? làm thế nào để phòng tránh được bệnh này?
Lao phổi là bệnh gì?
Lao phổi là bệnh truyền nhiễm rất phổ biến do vi khuẩn Mycobacterium tubeculosis gây ra. Bệnh có thể cấp tính hay mãn tính, khu trú ở phổi hay lan rộng ra các cơ quan khác như da, màng não, thận, xương, ruột…
Người đang bị lao phổi tiến triển, nếu điều trị đúng và đầy đủ sau 2 tháng thì không còn khả năng lây.
Đường lây truyền
Bệnh lao phổi chủ yếu lây qua đường hô hấp: Người khoẻ nhiễm bệnh do hít phải những hạt đờm nhỏ có vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis lơ lửng trong không khí khi  tiếp xúc gần với người bệnh.
Người thiếu hụt miễn dịch, suy nhược, lao động cực nhọc, dinh dưỡng thiếu và vệ sinh mồi trường sống kém thì bệnh lao sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn.
Triệu chứng
Bệnh lao phổi không có triệu chứng đặc thù, ở giai đoạn lao sơ nhiễm thì triệu chứng thường không rõ, khó nhận biết. Người bệnh sẽ gặp tình trạng gần như cảm cúm kéo dài 2-3 tuần, sốt nhẹ, mệt nhọc, sút cân. chán ăn, ho khan, có khi đau tức ngực.
Khi bệnh lao vào giai đoạn tiến triển, người bệnh sẽ gặp gần như một tình trạng cảm cúm kéo dài, sốt nhẹ vào chiều tối, kèm vã mồ hôi, mệt mỏi, sút cân, biếng ăn làm toàn trạng suy sụp nhanh.
Điều trị
Người bệnh phải dùng thuốc đúng liều, đều đặn và đủ thời gian để tránh tái phát.
Điều trị theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì.
+ Giai đoạn tấn công: Kéo dài 2 – 3 tháng, mục đích giảm nhanh số vi trùng lao có trong các tổn thương để ngăn chặn đột biến kháng thuốc.
+ Giai đoạn duy trì: Kéo dài 4 – 6 tháng, mục đích tiêu diệt hết các vi trùng lao trong tổn thương để tránh tái phát.
Dự phòng:
Tiêm ngừa lao (BCG) theo lịch
Quản lý tốt người bệnh lao để tránh lây lan
Tăng cường vận động, dinh dưỡng hợp lý và giữ gìn vệ sinh là mấu chốt quan trọng trong việc đề phòng vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể.
Chăm sóc người bệnh lao phổi tại nhà
Người bệnh phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả điều trị.
Cách ly người bệnh với những thành viên khác trong gia đình; đeo khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc với người thân trong gia đình.
Không tiếp xúc với trẻ em hay những người có hệ miễn dịch kém.
Không đến những nơi công cộng, đông người, hạn chế các cuộc gặp gỡ không thật sự cần thiết.
Ngủ đủ: Người bệnh lao cần ngủ trưa khoảng 1-2 tiếng và ngủ đủ 7-8 tiếng vào buổi tối.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thay quần áo, tắm giặt mỗi ngày. Có thể hỗ trợ nếu người bệnh không làm được nhưng cần đeo khẩu trang cẩn thận để tránh lây nhiễm.
Ho khạc vào ống nhổ cá nhân có dung dịch sát trùng, hoặc khăn giấy rồi mang đốt, rửa tay sạch sẽ.
Đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh: Thông khí tự nhiên (cửa ra vào, cửa sổ, ô thoáng), có ánh nắng. Thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn.
Giai đoạn bệnh tiến triển cho người bệnh nghỉ ngơi tối đa. Khi bệnh ổn định, có thể thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng như tập thể dục, đọc sách, đi dạo nhưng tránh nơi đông người.
Chế độ dinh dưỡng tốt giúp tăng hiệu quả điều trị và đẩy mạnh tiến độ hồi phục. Các chất dinh dưỡng sau cần thường xuyên có mặt trong bữa ăn của người bệnh Lao như bổ sung kẽm từ thịt bò, gan, hạt bí ngô. ngũ cốc, hạt hướng dương…Vitamin A, E, C: trong rau, củ, quả, cá biển, thịt, gan; Sắt có trong mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành hay lòng đỏ trứng…; Vitamin K, B6 có nhiều trong rau xanh, gan, thịt lợn, đậu, đỗ, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt… Người bệnh lao phổi có thể trạng kém, chán ăn do tác dụng phụ từ thuốc do vậy cần phải đa dạng các món ăn, lựa chọn những món ăn mà người bệnh thích đồng thời chia nhỏ các bữa ăn.
Cần phải đưa bệnh nhân đi khám bệnh định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra tình trạng của bệnh lý. Việc kiểm tra tình trạng bệnh lý chủ yếu dựa vào kiểm tra xét nghiệm đờm là chủ yếu. Thời gian xét nghiệm đờm để kiểm tra theo các mốc đó là sau 2-3 tháng, sau 4 tháng và sau 6-8 tháng điều trị tùy theo phác đồ.
Nguyễn Thị Ái Trinh – Tổ T3G
Hình: Internet

Website đang trong quá trình nâng cấp. Truy cập cc.bvdkkvcuchi.vn để xem phiên bản cũ.

X