LỰA CHỌN VÀ BẢO QUẢN THỰC PHẨM T NGĂN NGỪA NGỘ ĐỘC MÙA NẮNG NÓNG

Thực phẩm là nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể, giúp cơ thể khoẻ mạnh, chống lại các nguy cơ của bệnh tật đang có mặt ở khắp nơi trong môi trường; giúp người ta hoạt động và làm việc. Như vậy, nếu nguồn thực phẩm không hợp vệ sinh, sức khoẻ con người sẽ bị đe doạ.

Thời tiết nắng nóng là điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh làm cho thức ăn dễ bị ôi thiu và đây là một trong số những nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng…). Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong thời tiết nắng nóng, cần lưu ý lựa chọn thực phẩm tươi, an toàn, ưu tiên sử dụng thực phẩm có chứa vitamin, khoáng chất, cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm và sử dụng thực phẩm.

Lựa chọn và bảo quản thực phẩm:

  • Ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm trong ngày, thực phẩm được bày bán ở các cơ sở đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
  • Lựa chọn các loại thực phẩm có chứa chất xơ, vitamin trong các loại rau củ quả như cam, chanh, rau dền, cà rốt, khoai tây, táo. Còn các loại quả ngọt, có tính nóng như xoài, mít, sầu riêng, vải, nhãn cần được hạn chế. Rau củ quả và các thức ăn dễ tiêu hóa sẽ là lựa chọn tối ưu cho mùa nắng nóng.
  • Các loại thực phẩm khi mua về phải được sơ chế sạch và để thật ráo nước, sau đó chia ra túi hoặc hộp riêng phù hợp nhu cầu sử dụng.
  • Bảo quản với điều kiện thích hợp (bảo quản ngăn mát đối với sản phẩm rau, củ, quả và bảo quản ngăn đông đối với thực phẩm cần bảo quản đông như sản phẩm thịt, cá…).

Chế biến thực phẩm:

Trong mỗi bữa ăn, nên nấu lượng thức ăn vừa đủ để sử dụng hết, hạn chế ăn đồ sống hoặc chưa chín kỹ (thức ăn tái). Trong trường hợp không sử dụng hết, thức ăn thừa cần được đựng trong những hộp có nắp kín. Trước khi sử dụng lại, thức ăn cần được đun sôi, kiểm tra mùi vị, nếu phát hiện đã ôi thiu hoặc có mùi vị bất thường thì tuyệt đối không sử dụng.

Đảm bảo an toàn trong sơ chế, chế biến thực phẩm người tiêu dùng lưu ý 10 nguyên tắc vàng  của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organization) về an toàn vệ sinh thực phẩm:

  1. Chọn thực phẩm tươi an toàn: Rau quả ăn sống phải được rửa kĩ bằng nước sạch, quả nên gọt vỏ trước khi ăn, thực phẩm rã đông rồi tránh làm đông lại.
  2. Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kĩ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
  3. Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu càng không an toàn.
  4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C, riêng thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
  5. Nấu lại thức ăn thật kĩ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kĩ lại.
  6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm chín và sống).
  7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác.
  8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch, khăn lau bát đũa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên.
  9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn.
  10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, không mùi, không có vị lạ và không chứa mầm bệnh, hãy đun sôi nước trước khi làm đá lạnh để uống, đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu ăn cho trẻ nhỏ.

Cách ngăn ngừa ngộ độc:

  • Tách biệt đồ ăn sống và chín: không để chung thức ăn sống và chín, có vật dụng chế biến riêng thức ăn sống và chín, nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống.
  • Rửa tay bằng xà phòng trước và sau mỗi lần chế biến.
  • Đun lại thức ăn thừa ở nhiệt độ >700C trước khi ăn.
  • Đậy thức ăn khi không để trong tủ lạnh tránh bụi, ruồi muỗi.
  • Ăn thức ăn đã chín, không ăn thức ăn ôi thiu, hết hạn sử dụng.
  • Bảo quản lạnh thực phẩm, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường.
  • Vệ sinh bếp, các vật dụng bếp sạch sẽ.

 Tác giả: Kỹ sư Huỳnh Trần Thùy Dương – Khoa Dinh Dưỡng

Tài liệu tham khảo

  1. Phòng Quản lý chất lượng thực phẩm (Năm 2023), Lựa chọn và chế biến thực phẩm mùa nắng nóng ngày 04/05/2023, http://bqlattp.hochiminhcity.gov.vn/ArticleDetail.aspx?NewsID=4029
  1. Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (Năm 2023), Tờ gấp Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng ngày 05/05/2023.

Website đang trong quá trình nâng cấp. Truy cập cc.bvdkkvcuchi.vn để xem phiên bản cũ.

X