Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (International Day of Epidemic Preparedness) lần đầu tiên tổ chức vào ngày 27 tháng 12 năm 2020, được Liên Hợp Quốc kêu gọi nhằm ủng hộ tầm quan trọng của việc phòng ngừa, chuẩn bị và hợp tác chống lại dịch bệnh. Cùng nhìn lại đại dịch Covid 19 khởi nguồn vào cuối tháng 12 năm 2019 đã cướp đi hàng triệu sinh mạng người dân trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng, thiệt hại to lớn đối với hệ thống y tế, giáo dục, kinh tế, văn hóa, du lịch… Là dịch bệnh truyền nhiễm và có nguy cơ lan nhanh chóng, từ khi phát hiện những ca đầu tiên tại Trung Quốc theo thời gian đại dịch Covid 19 đã lan rộng nhanh ra toàn cầu với số lượng lớn, trong đó có Việt Nam.
Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã tiến hành đối phó với đại dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu, bao gồm: hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào các hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Để có được sự chuẩn bị hiệu quả đòi hỏi phải chia sẻ thông tin, nguồn lực và kiến thức chuyên môn giữa các quốc gia và cộng đồng địa phương. Sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa, bao gồm giao lưu thương mại, du lịch quốc tế và di dân, đã làm tăng nguy cơ lây lan nhanh chóng của các bệnh truyền nhiễm giữa các khu vực và quốc gia. Ngoài ra, các yếu tố như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy giảm tỷ lệ tiêm chủng, và sự gia tăng tình trạng kháng kháng sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đến nay các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh lớn vẫn có tác động tàn phá đến cuộc sống con người, tàn phá sự phát triển kinh tế và xã hội lâu dài. Các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đe dọa làm quá tải các hệ thống y tế vốn đã quá tải, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra sự tàn phá không cân xứng đối với sinh kế của mọi người, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và nền kinh tế của các quốc gia nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất.Trong trường hợp không có sự quan tâm của quốc tế, các dịch bệnh trong tương lai có thể vượt qua các đợt bùng phát trước đây về cường độ và mức độ nghiêm trọng. Do đó, rất cần nâng cao nhận thức, trao đổi thông tin, kiến thức khoa học và các biện pháp thực hành tốt nhất, giáo dục chất lượng và các chương trình vận động về dịch bệnh ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu như các biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa và ứng phó với dịch bệnh.
Việt Nam, với vị trí địa lý nằm trong khu vực Đông Nam Á – nơi giao thoa nhiều tuyến đường thương mại quốc tế, không nằm ngoài nguy cơ bị xâm nhập bởi các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, sự gia tăng các hoạt động giao lưu thương mại, du lịch và di chuyển qua biên giới trong mùa lễ hội cuối năm như Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025 đang đến gần làm nguy cơ này càng trở nên rõ rệt. Vì vậy, ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12 hằng năm có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng đối với việc phòng, chống dịch. Tất cả mọi người dân đều có trách nhiệm và hãy cùng chung tay với ngành Y tế và các cấp chính quyền địa phương phòng ngừa, chuẩn bị, đáp ứng với dịch bệnh.
THÔNG ĐIỆP TRUYỀN THÔNG
Tác giả: ThS. Đặng Minh Lộc – Phòng Công tác xã hội