Người mắc bệnh xơ gan thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, sụt cân,.. vì vậy trong chế độ dinh dưỡng chăm sóc người bệnh cần phải thận trọng và có 1 số lưu ý đặc biệt. Vậy chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh xơ gan như thế nào là hợp lý? Ảnh hưởng của xơ gan lên tình trạng dinh dưỡng ra sao? Lợi ích của chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho người xơ gan như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta giải đáp những thắc mắc trên.
1. Xơ gan là gì?
Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh lý viêm gan mạn. Nhu mô gan bình thường bị thay thế bởi các mô xơ hóa và những nốt tái tạo, dẫn đến suy giảm chức năng gan. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật trên toàn thế giới.
2. Các nguyên nhân thường gặp
- Viêm gan virus B, C
- Bệnh gan do rượu
- Viêm gan thoái hóa mỡ không do rượu
- Viêm gan tự miễn
- Xơ gan ứ mật nguyên phát.v.v
Đối với bệnh gan do rượu, nghiên cứu cho thấy nếu mỗi ngày uống 250ml rượu hoặc 500ml bia thì trong vòng 10 năm có thể dẫn đến xơ gan. Đặc biệt, trên cơ địa người bị viêm gan do virus B, C hoặc người có sẵn các bệnh về gan thì xơ gan tiến triển nhanh hơn.
3. Ảnh hưởng của xơ gan lên tình trạng dinh dưỡng ra sao?
Gan được xem như là nhà máy để chế biến, tổng hợp và dự trữ các chất dinh dưỡng cũng như thải độc. Với vai trò quan trọng như thế, nên khi bị xơ gan, suy gan sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng cho người bệnh. Từ đó làm cho cơ thể người bệnh mệt mỏi, đi lại yếu, dễ bị nhiễm trùng do giảm khả năng đề kháng, dễ bị biến chứng và tử vong. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân xơ gan nằm trong khoảng từ 50% đến 90%.
4. Lợi ích của chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh xơ gan
- Phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng.
- Cải thiện chức năng gan.
- Nâng cao chất lượng sống.
- Kéo dài thời gian sống còn.
5. Người bệnh xơ gan nên ăn uống như thế nào?
- Tuyệt đối không uống rượu.
- Nên ăn 3-5 bữa mỗi ngày và không nên nhịn nói kéo dài.
- Bữa ăn phụ vào buổi tối muộn với thức ăn nhẹ hay sữa là quan trọng, giúp cải thiện suy dinh dưỡng.
- Chất bột đường (cơm, bún, phở…) nên là thành phần chính trong chế độ ăn, chiếm 50-60% nhu cầu năng lượng, sẽ giúp gan dự trữ lại nguồn năng lượng bị hao hụt trong ngày.
- Lượng đạm (thịt, cá, đậu hũ…) cần ăn trong ngày cũng tương tự lúc bình thường. Đạm từ cá và sữa có lợi cho người bệnh gan vì dễ tiêu hóa.
- Chất béo cần ăn lượng vừa phải vì chất béo giúp hấp thu nhiều vitamin A, D, E, K và tham gia rất nhiều các hoạt động chức năng của cơ thể (tái tạo lại tế bào, miễn dịch, đông máu…). Chỉ ăn ít trong trường hợp khó tiêu hay vàng da ứ mật.
- Tăng cường chất khoáng, chất xơ và vitamin từ rau, củ và trái cây tươi.
- Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung thêm thức ăn hay thức uống, sữa giàu acid amin phân nhánh (BCAA) có nhiều trong đạm thực vật như đậu đỗ hay sữa dành cho bệnh gan. Loại acid amin này đặc biệt có lợi cho người bệnh xơ gan vì:
- Là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể.
- Giúp cơ thể tổng hợp đạm tốt hơn.
- Cải thiện chức năng gan.
- Giảm khả năng nhập viện.
- Phòng bệnh não gan (hôn mê gan).
BS. Hứa Thùy Dung – Phó trưởng Khoa Dinh Dưỡng
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế (2019), Dinh dưỡng lâm sàng.
- Phác đồ điều trị điều trị Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2013.
- TS.BS. Lưu Ngân Tâm, Hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng trong bệnh xơ gan, Nhà xuất bản Lao động năm 2016.