Hướng dẫn chăm sóc trẻ em nhiễm Covid-19 tại nhà

Các thiên thần nhỏ của chúng ta đã trở lại trường học, đằng sau niềm vui được quay trở lại trường của các con là nỗi lo canh cánh của phụ huynh về việc bé có thể bị nhiễm bệnh Covid-19 trong lớp học hay khi chơi cùng bạn. Vậy phụ huynh cần trang bị kiến thức gì để giúp con mình vượt qua được đại dịch, để sẵn sàng hòa nhập vào cuộc sống bình thường mới và tự do vui đùa với bạn bè trang lứa.
Dưới đây là một số thông tin cần biết về dịch covid-19 đối với trẻ em để phụ huynh tham khảo.
Tóm tắt về bệnh covid-19 ở trẻ em
Phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như: Viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa và các bé sẽ hồi phục trong 1-2 tuần. Chỉ có 4% bệnh nhân thuộc nhóm nặng – nguy kịch và thường trở nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8.
Ngoài ra, bệnh có thể gây ra biến chứng và các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc Covid kéo dài ở trẻ em nên phụ huynh cần phải theo dõi sát để phát hiện sớm những biến chứng có thể xảy ra và xử lý kịp thời.
Trẻ em dưới 12 tháng tuổi và trẻ có bệnh lí nền sau có nguy cơ cao diễn tiến nặng:
  • Trẻ đẻ non, cân nặng thấp
  • Béo phì, thừa cân
  • Đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa
  • Các bệnh lí ung thư, tim mạch, thần kinh
  • Bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính
  • Suy giảm miễn dịch
  • Các bệnh hệ thống
  • Đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch.
Chuẩn bị gì khi trẻ được điều trị tại nhà
  • Khẩu trang
  • Nước sát khuẩn
  • Máy đo spo2 cầm tay
  • Kẹp nhiệt độ
  • Nước muối sinh lí
Thuốc hạ sốt có hoạt chất paracetamol dạng uống, dạng đặt hậu môn, Oresol dạng gói bột pha sẵn, siro ho thảo dược, vitamin (Vitamin C, vitamin D), kẽm, men vi sinh.
Chuẩn bị điện thoại có thể videocall với nhân viên y tế khám từ xa
KHÔNG mua sẵn: Thuốc kháng sinh, kháng virut, chống viêm, chống đông, thuốc xách tay không rõ tên và nguồn gốc xuất xứ.
Theo dõi spo2 và nhịp thở của trẻ
Cách đo SPO2 cho trẻ
Chọn máy đo spo2 phù hợp với tuổi.
Giữ trẻ ngồi yên (Với những trẻ nhỏ nên đo lúc trẻ ngủ).
Kẹp vào ngón tay, ngón chân, bàn tay bàn chân.
Với kết quả Spo2 < 96 là bất thường, cần báo cho cán bộ y tế.
Ngưỡng thở nhanh và cách đo nhịp thở
Cách đo nhịp thở
Kéo nhẹ áo để hở bụng trẻ, đặt đồng hồ bên cạnh, mắt vừa nhìn đồng hồ vừa nhìn di dộng của bụng trẻ, bụng di động lên xuống tính là 1 nhịp thở.
Lưu ý: Đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc, không sốt cao.
Ngưỡng thở nhanh
Trẻ < 2 tháng: ≥ 60 lần/ phút là thở nhanh
Trẻ 2-11 tháng: ≥ 50 lần/ phút là thở nhanh
Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi:  ≥ 40 lần/phút là thở nhanh
Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi:  ≥ 30 lần/phút là thở nhanh
Trẻ > 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút là thở nhanh
Những nội dung theo dõi sức khỏe hằng ngày mà phụ huynh cần thực hiện
Chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 (Đo ít nhất 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh, khó thở) và huyết áp (Nếu có thể).
Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (Phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo;
Các triệu chứng khác: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ, …
Triệu chứng bất thường cần thông báo ngay cho nhân viên y tế
  • Sốt > 38 độ C.
  • Trẻ lớn đã biết kêu tức ngực, trẻ nhỏ hơn thì người chăm sóc thấy trẻ quấy khóc hoặc các biểu hiện khác thường của trẻ.
  • Đau rát họng, ho.
  • Tiêu chảy.
  • Trẻ mệt, không chịu chơi.
  • SpO2 dưới 96%. Nếu SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.
  • Ăn bú kém.
  • Nếu trẻ mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng… Cần báo ngay cho y tế.
  • Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban…
  • Dấu hiệu chuyển nặng cần cấp cứu:
  • Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
  • Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
  • Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn.
  • Trẻ tiểu ít hoặc không tiểu.
  • Cánh mũi phập phồng, khó thở, thở nhanh.
  • Mạch nhanh (> 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút).
Dinh dưỡng cho trẻ mắc Covid-19
  • Đảm bảo cho trẻ uống đủ nước, tỷ lệ tùy theo độ tuổi như sau:
  • Trẻ từ 0-6 tháng cần bú mẹ hoàn toàn;
  • Trẻ từ 7-12 tháng tuổi cần 800ml nước/sữa;
  • Trẻ từ 1-3 tuổi cần 900ml;
  • Trẻ từ 4-8 tuổi cần 1.200ml;
  • Trẻ từ 9-13 tuổi cần 1.60-1.800ml;
  • Trẻ từ 14-18 tuổi cần 1.800-2.600ml).
  • Ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả…
  • Không bỏ bữa.
  • Với trẻ nhỏ cần bú mẹ kể cả mẹ là F0.
Vệ sinh cho trẻ
  • Vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không kiêng nước.
  • Vệ sinh tay thường xuyên.
  • Vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi/nước mũi đặc quánh. Nếu chảy mũi ít chỉ cần lau bằng khăn mềm sạch.
Động viên tinh thần cho trẻ
  • Tâm sự, trấn an con về dịch Covid-19.
  • Giải đáp thắc mắc và chia sẻ thông tin thực tế về dịch.
  • Hạn chế gia đình tiếp xúc và nói chuyện về tin tức, sự kiện có thể gây hoang mang, sợ hãi.
  • Duy trì thói quen bình thường, sinh hoạt khoa học.
  • Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí trong phòng cách ly phù hợp như các trò chơi online hay cùng chơi với bố, mẹ…
Xử trí khi trẻ sốt trên 38,5 độ C
  • Nới lỏng quần áo, mặc đồ mỏng, dễ thấm mồ hôi.
  • Chườm nách, bẹn bằng nước ấm.
  • Uống thuốc hạ sốt như paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 lần.
  • Uống nhiều nước hơn (Sữa, nước hoa quả).
  • Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, hoặc sốt kéo dài 5 ngày cần thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được xử trí.
 Xử trí cho trẻ bị ho, đau họng
  • Dùng thuốc ho phải theo chỉ định của bác sĩ, dùng khi thật cần.
  • Thuốc ức chế ho: Dùng khi ho quá nhiều, không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
  • Thuốc loãng đờm: Có thể thay thế bằng uống nhiều nước, không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
  • Thuốc ho thảo dược: Khuyến cáo dùng.
Xử trí khi trẻ nôn, tiêu chảy
  • Cần phải báo với bác sĩ đang theo dõi trẻ
  • Bổ sung Oresol.
  • Có thể dùng men vi sinh sẵn có tại nhà.
  • Tiếp tục cho bú mẹ, ăn bình thường, chia nhỏ bữa.
  • Không tự ý dùng thuốc chống nôn, chống tiêu chảy, kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Luôn theo dõi sát dấu hiệu mất nước (kích thích quấy khóc liên tục hoặc li bì, uống nước háo hức, tiểu ít, môi khô, mắt trũng).
Những việc KHÔNG NÊN làm cho trẻ
  • Không tự ý sử dụng 2 loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho.
  • Không lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin, phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Con mắc Covid-19, đừng cho trẻ xông lá, tinh dầu… vì không có tác dụng điều trị, có thể làm trẻ tăng khó chịu, nguy cơ khiến trẻ bỏng.
  • Không tự dùng thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc kháng virus…
  • Không dùng các đơn thuốc trên mạng.
  • Không chia sẻ đơn thuốc của trẻ.
Khi nào thì ngưng theo dõi
Đối với trẻ không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với virut SARS-CoV-2
Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày với những trẻ đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định và 14 ngày đối với những trẻ chưa tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.
Chú ý:
Chỉ ngưng theo dõi khi trẻ hết triệu chứng VÀ đủ 7 ngày, vì bệnh có thể diễn tiến nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 mặc dù hết triệu chứng.
Sau 7 ngày, vẫn tiếp tục theo dõi ở nhà trong 7 ngày. Đo thân nhiệt ngày 2 lần, nếu cao hơn 38 độ C hoặc có bất kì dấu hiệu bất thường nào cần báo cho nhân viên y tế gần nhất.
Người chăm sóc trẻ tại nhà cần:
  • Đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn.
  • Vệ sinh tay thường xuyên.
  • Mở cửa sổ thông thoáng.
  • Thường xuyên vệ sinh bề mặt tiếp xúc.
  • Xử lý chất thải theo đúng hướng dẫn.
  • Ổn định tâm lý cho trẻ.
  • Nhận biết dấu hiệu trẻ trở nặng, lưu số điện thoại của cơ quan y tế khi cần để báo tin.
Theo dõi và phát hiện biến chứng hậu covid ở trẻ em
Sau khi mắc Covid-19 từ 2-6 tuần, trẻ có khả năng mắc chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu COVID-19 và nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm. Vì thế phụ huynh cần phải đưa trẻ đến khám tại bệnh viện nếu:
Trẻ đã từng mắc covid- 19, hoặc tiếp xúc với người mắc covid-19 hoặc sống trong vùng dịch VÀ có MỘT trong các dấu hiệu:
  • Sốt cao liên tục
  • Nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc
  • Phù nền niêm mạc miệng, bàn tay, chân
  • Nôn, đau bụng, tiêu chảy
  • Lơ mơ, li bì, co giật
  • Tiểu ít, phù chân, phù mi mắt.
Phụ huynh cần phải khai báo tiền sử mắc bệnh hoặc tiếp xúc với F0 của trẻ để bác sĩ định hướng chẩn đoán.
 
Bác sĩ Nguyễn Vũ – Khoa Nhi
Ảnh: Nguồn internet
Tài liệu tham khảo
TS-BS Trần Thị Thu Hương (2022). “Sổ tay chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà”, Bệnh viện Nhi Trung ương, https://benhviennhitrunguong.gov.vn/so-tay-cham-soc-tre-mac-covid-19-tai-nha.html, truy cập ngày 03/03/2022.
Bộ Y Tế (2022). “ Hướng dẫn điều trị COVID-19 trẻ em phiên bản 2”, Bộ Y Tế, https://kcb.vn/cap-nhat-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-covid-19-o-tre-em-phien-ban-2.html, truy cập ngày 03/03/2022.

Website đang trong quá trình nâng cấp. Truy cập cc.bvdkkvcuchi.vn để xem phiên bản cũ.

X