Tăng huyết áp là căn bệnh không có biểu hiện triệu chứng nhưng gây tổn hại đến sức khỏe của bạn thông qua các biến chứng rất nguy hiểm. Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, bên cạnh vấn đề tuân thủ điều trị, thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống thì việc theo dõi huyết áp mỗi ngày góp phần rất quan trọng để người bệnh có thể chủ động theo dõi tình trạng huyết áp của mình cũng như cung cấp thông tin hữu ích cho bác sĩ trong quá trình theo dõi và điều trị cho người bệnh.
Đo huyết áp là kỹ thuật đơn giản, bạn hoàn toàn có thể làm được. Bạn có thể tự đo huyết áp cho mình hoặc cho người thân tại nhà, hãy cùng tham khảo những lưu ý sau để biết cách đo huyết áp chính xác.
A. CHUẨN BỊ
1. Nghỉ ngơi thư giãn yên tĩnh ít nhất 5-10 phút trước khi đo huyết áp.
2. Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia…) trước đó 2 giờ.
3. Tư thế đo chuẩn: Người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
4. Máy huyết áp cần được kiểm định định kỳ.
5. Chọn băng quấn phù hợp, bề dài bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay.
6. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu tay 2cm, sao cho mũi tên đánh dấu trỏ trên băng quấn ngay động mạch cánh tay.
7. Xác định động mạch cánh tay: người được đo huyết áp đặt ngửa lòng bàn tay, người đo dùng ngón trỏ và ngón giữa lần theo động mạch ở nếp khuỷu tay, ấn nhẹ để cảm giác mạch đập vào đầu ngón tay.
8. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
B.ĐO HUYẾT ÁP
1. Máy huyết áp đồng hồ (đo cơ): xác định động mạch cánh tay để đặt ống nghe, dùng bóng cao su để bơm hơi băng quấn, bơm thêm 30mmHg sau khi không còn nghe tiếng mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập đến khi nghe rõ nhịp đập của tim (giá trị lúc này tương đương chỉ số huyết áp tâm thu), tiếp tục xả đến khi không còn nghe rõ nhịp tim (giá trị lúc này là huyết áp tâm trương)
2. Máy huyết áp điện tử: Ấn nút Start để bắt đầu quá trình đo huyết áp và chờ xem kết quả, chỉ số phía trên là huyết áp tâm thu, chỉ số phía dưới là huyết áp tâm trương.
C. KIỂM TRA LẠI
Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau
Nếu cảm thấy hoài nghi về kết quả, bạn có thể đo lại sau 5-10 phút.
Lưu ý: huyết áp chúng ta luôn dao động trong ngày, vì vậy khi đo huyết áp bạn nên cố định khung giờ để dễ so sánh
D. GHI SỔ THEO DÕI
Ghi lại chỉ số huyết áp theo đơn vị mmHg (ví dụ 126/82mmHg) mỗi lần đo để theo dõi.
CNĐD Trần Thị Ái Trinh – Tổ T3G
Tham khảo: Quy trình đo huyết áp đúng – Bộ Y tế
Hình ảnh: Internet