THỰC HIỆN TRUYỀN THÔNG NHÓM CHO BỆNH NHÂN KIẾN THỨC VỀ SIÊU ÂM BỤNG TỔNG QUÁT TẠI BỆNH VIỆN ĐKKV CỦ CHI

  1. Nhằm đẩy mạnh công tác triển khai, thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh, thân nhân, bên cạnh đó là việc cung cấp các kiến thức cần thiết cho bệnh nhân, thân nhân khi đến khoa thực hiện các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh (CĐHẢ). Sáng ngày 27/3/2024, Khoa chẩn đoán hình ảnh –  Bệnh viện ĐKKV Củ Chi tổ chức buổi truyền thông nhóm cho khoảng hơn 30 bệnh nhân, thân nhân kiến thức về siêu âm bụng tổng quát tại khoa.

Mở đầu buổi truyền thông, Bác sĩ Trần Ngọc Trúc Lam – Khoa CĐHẢ nêu rõ mục đích tổ chức buổi truyền thông, với mong muốn được cung cấp các kiến thức liên quan kỹ thuật: Siêu âm, X-Quang, CT, MRI, điện tim,.. đang được thực hiện tại khoa và những lưu ý cho bệnh nhân, thân nhân trước khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Khoa cũng hướng dẫn thêm các bước thực hiện quy trình cận lâm sàng, giúp cho bệnh nhân, thân nhân thực hiện đúng quy trình nhằm tiết kiệm thời gian, công sức. Bên cạnh đó, việc phản hồi và lắng nghe những ý kiến đóng góp của người bệnh và thân nhân sẽ giúp khoa có sự điều chỉnh, hoàn thiện các quy trình để phục vụ bệnh nhân, thân nhân tốt hơn.

Tại buổi truyền thông, người bệnh và người nhà người bệnh đã được lắng nghe Bác sĩ  trình bày những điều cần biết cho bệnh nhân trước khi siêu âm bụng tổng quát cụ thể như sau:

Lưu ý về Trang phục:

–  Bệnh nhân khi đi khám nên mặc trang phục gọn gàng, dễ bộc lộ vùng bụng, để thuận tiện cho bác sĩ thăm khám.

Lưu ý về tư thế:

–  Bệnh nhân nằm ngữa, đầu thấp, phần bụng ngang với vị trí ngồi của bác sĩ, áo vén lên tận chân ngực và quần kéo xuống ngang xương mu, hai tay thả lỏng để trên đầu.

Lưu ý về vấn đề ăn uống:

  • Trước khi siêu âm bụng thông thường bác sĩ không yêu cầu nhịn ăn, nhưng để đạt hiệu quả tốt nhất thì trước khi siêu âm 6-8 h, chúng ta không nên ăn các thức ăn dầu mỡ, khó tiêu, nên siêu âm ổ bụng vào buổi sáng khi chưa ăn gì vì khoảng thời gian từ bữa ăn tối đến sáng hôm sau đủ để thức ăn được tiêu hóa hết, hạn chế hơi trong ống tiêu hóa.
  • Riêng với trường hợp kiểm tra về bệnh lý túi mật, cần nhịn ăn ≥ 6h.
  • Trường hợp kiểm tra bàng quang, phần phụ đối với phụ nữ, tiền liệt tuyến đối với nam, trước khi siêu âm từ 30 – 60 phút, nên uống nước, nhịn tiểu để làm căng bàng quang, giúp cho việc quan sát các cơ quan được rõ ràng hơn.

Ngoài kiến thức về siêu âm bụng tổng quát, khoa cũng chuẩn bị tờ rơi: Những điều cần lưu ý cho bệnh nhân trước khi siêu âm bụng tổng quát, để phát cho người bệnh và thân nhân. Bác sĩ cũng hướng dẫn thêm cho bệnh nhân, thân nhân quy trình thực hiện cận lâm sàng tại khoa, giúp cho thân nhân, bệnh nhân dễ dàng nắm bắt được các bước thực hiện, không bị lúng túng khi đến khoa thực hiện cận lâm sàng, khoa cũng chuẩn bị đầy đủ các câu hỏi để lượng giá kiến thức của bệnh nhân, thân nhân. Buổi truyền thông GDSK nhận được sự tham gia nhiệt tình của người bệnh và thân nhân. Các băn khoăn, thắc mắc của bệnh nhân được bác sĩ trao đổi cụ thể và giải đáp nhiệt tình.

Đây là lần đầu tiên Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện buổi truyền thông nhóm cho bệnh nhân, thân nhân tại khoa và buổi truyền thông đã thành công tốt đẹp, tạo động lực, sự phấn khởi cho các thành viên tham gia và tổ chức chương trình.  Khoa sẽ tiếp tục hoàn thiện, tiếp thu những góp ý để ngày một tốt hơn. Trong  tương lai Khoa Chẩn đoán hình ảnh sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi truyền thông cung cấp kiến thức và hướng dẫn các quy trình tại khoa nhiều hơn nữa, khoa hướng đến việc đẩy mạnh công tác TTGDSK, giúp  nâng cao kiến thức, tạo điều kiện cho người nhà người bệnh, thân nhân phối hợp, chủ động, cùng nhân viên y tế trong quá khám và điều trị góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hài lòng người bệnh./.

Một số hình ảnh tại buổi truyền thông nhóm

Khoa Chẩn đoán hình ảnh – phòng QLCL đưa tin

Website đang trong quá trình nâng cấp. Truy cập cc.bvdkkvcuchi.vn để xem phiên bản cũ.

X