Tính từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, đã tiếp nhận 471 bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết Dengue trong đó có 09 trường hợp nặng.
Theo báo cáo tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cùng 20 Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố về “Phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue khu vực phía Nam”, thì tình hình SXH từ đầu năm đến nay có giảm 23% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Một số tỉnh/TP nằm trong danh sách tăng nhanh tỉ lệ sốt xuất huyết nặng gồm: Khu vực Đông Nam Bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương), Tây Nam Bộ (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang). Theo ước tính trong các tháng sắp tới dịch SXH có nguy cơ tăng cao tại TP. HCM.
Để đáp ứng nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận, Bệnh viện thường xuyên cử bác sĩ tham dự các lớp tập huấn cập nhật kiến thức điều trị sốt xuất huyết theo phác đồ của Bộ Y tế do Bộ Y tế, Sở Y tế tổ chức để nâng cao năng lực chuyên môn trong việc điều trị sốt xuất huyết cũng như kỹ năng tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người dân cách theo dõi, chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng ngừa bệnh.
Bệnh Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành, bệnh tăng cao vào mùa mưa. Bệnh nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong.
Biểu hiện của sốt xuất huyết thường bắt đầu là sốt và kéo dài từ 4 đến 7 ngày, ngoài ra còn có các triệu chứng như: đau đầu nhiều, đau phía sau mắt, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn, chán ăn, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chảy máu chân răng, chảy máu mũi… Khi bản thân hay người nhà đặc biệt là trẻ nhỏ có những biểu hiện trên nên đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, việc chăm sóc tại nhà cần chú ý chế độ dinh dưỡng phù hợp, thức ăn dễ tiêu, tăng cường vitamin, uống nhiều nước, đặc biệt phải theo dõi và nhận biết các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh để kịp thời đưa người bệnh đến bệnh viện như: mệt nhiều, vật vã, lừ đừ, li bì, sốt cao liên tục trên 39oC hoặc hạ thân nhiệt, đau bụng nhiều, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết âm đạo….thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.
Quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa bệnh, loại muỗi vằn trung gian truyền bệnh thường ở trong nhà, trong các góc tối tăm và các nơi ẩm thấp, thường hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm. Biện pháp hiệu quả là ngăn không cho muỗi đốt, không để cho muỗi có nơi ở và đẻ trứng. Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng Sốt xuất huyết:
– Dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
– Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
– Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
– Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Ái Trinh – Phòng Kế hoạch tổng hợp
Nguồn tham khảo:
https://www.medinet.gov.vn, Sở Y tế Tp.HCM
https://hcdc.vn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp. HCM