ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT THẢI NHỰA ĐẾN ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

Như chúng ta cũng đã biết, hiện nay lượng chất thải ra ở Việt Nam ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động, hằng ngày lượng chất thải từ sinh hoạt, sản xuất, các hoạt động của bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa…. ngày càng tăng lên nhất là chất thải nhựa được xem là khá nguy hại vì tính chất phức tạp, khả năng lây nhiễm cao. Điều đáng nói ở đây là chất thải nhựa đang hàng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách hiện nay nếu chúng ta không được xử lý đúng cách sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để hạn chế lượng chất thải nhựa phát sinh từ các cơ sở y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong các hoạt động.

Nguyên nhân gây ra ô nhiễm chất thải nhựa là một phần do ý thức của người dân, người bệnh, nhân viên y tế chưa tốt và việc phân loại, xử lý chất thải chưa đúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh

Chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt hàng ngày của con người như túi nilon, chai nhựa, hộp nhựa… Đặc biệt do cuộc sống ngày càng bận rộn cho nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm thức ăn nhanh, đồ dùng 1 lần ngày càng cao, kéo theo đó là lượng rác thải nhựa cũng tăng lên gấp đôi

Chất thải nhựa từ hoạt động công nghiệp, từ các khu du lịch, dịch vụ như các điểm buôn bán, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn… cũng là nơi phát sinh ra rất nhiều loại chất thải nhựa.

Chất thải nhựa từ y tế là do đặc thù của ngành y tế là sử dụng đồ dùng 1 lần để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, quy định chặt chẽ về an toàn cho bệnh nhân nên lượng chất thải nhựa từ y tế là rất lớn. Các loại chất thải từ y tế gồm: túi nilon, bao gói vật tư thiết bị y tế, dụng cụ đóng gói thuốc, hóa chất , găng tay, chai, lọ thuốc,…

Chất thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Một số loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài. Khi đốt, chất thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, và furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,..

Trong chất thải y tế chứa đựng rất nhiều tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B…Các tác nhân này có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp, qua đường tiêu hóa, việc tiếp xúc với các loại chất thải y tế lây nhiễm như bơm tiêm dính máu và dịch tiết, chai lọ đựng dung dịch thuốc nguy hại gây độc tế bào có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể , các loại chất thải y tế không được xử lý đúng cách, chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Cùng với đó, nó sẽ gây ảnh hưởng tới những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.

Để nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân nhằm thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần, nhân viên y tế của các khoa cũng thường xuyên tuyên truyền đến bệnh nhân và người nhà việc phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa, các túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt, bảo vệ môi trường, xanh, sạch đẹp giảm thiểu chất thải nhựa y tế đồng thời tuyên truyền và thuyết phục người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần, nên sử dụng đồ có nguồn gốc thiên nhiên như tre, sậy, lá chuối thay thế cho đồ nhựa nên sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho đồ dùng nhựa…

Trong bệnh viện cũng như trong cộng đồng cần có các loại thùng đựng chất thải tương ứng với đặc tính của chất thải. Chất thải được phân loại theo màu sắc để dễ phân biệt và xử lý đúng quy định. Do đó việc phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải y tế phải tuân thủ đúng các quy định về công tác quản lý chất thải y tế từ các khoa phòng tại bệnh viện, nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Vì vậy, chúng ta cùng nhau chung tay hành động để bảo vệ thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống của chúng ta nói chung và môi trường của bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi  ngày càng xanh, sạch đẹp.

Ảnh: Phân loại chất thải y tế
Nguồn: ảnh internet

Tài liệu tham khảo: Thông tư số 20/2021/TT- BYT, ngày 26 tháng 11 năm 2021, Quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế
ThS. Nguyễn Thị Tuyết Hoa-Khoa KSNK

Website đang trong quá trình nâng cấp. Truy cập cc.bvdkkvcuchi.vn để xem phiên bản cũ.

X