Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Bệnh ĐTĐ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi. Đáng lưu ý, có tới 70% trường hợp ĐTĐ típ 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng tuân thủ lối sống lành mạnh (dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục…)
Phân loại đái tháo đường
Đái tháo đường type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
Đái tháo đường type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
Đái tháo đường thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, type 2 trước đó).
Đái tháo đường típ 2
Đái tháo đường típ 2 chiếm 90-95% các trường hợp ĐTĐ. Có nhiều nguyên nhân của ĐTĐ típ 2 nhưng không có một nguyên nhân chuyên biệt nào. Đa số bệnh nhân có béo phì hoặc thừa cân và/hoặc béo phì vùng bụng với vòng eo to. Tình trạng đề kháng insulin có thể cải thiện khi giảm cân, hoặc dùng một số thuốc nhưng không bao giờ hoàn toàn trở lại bình thường.
Tư vấn và hỗ trợ thay đổi lối sống cho bệnh nhân Đái tháo đường típ 2
- Tăng cường vận động thể lực:
Đi bộ là hình thức vận động thuận tiện về thời gian và không tốn chi phí: 30 phút mỗi ngày hoặc 10-15 phút/sau 3 bữa ăn.
Nên tập thể dục 5 ngày mỗi tuần, tốt nhất là thể dục hết các ngày trong tuần.
Tránh ngồi kéo dài và mỗi 20 tới 30 phút nên đứng dậy đi lại.
- Chế độ dinh dưỡng:
Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cân bằng cả về số lượng và chất lượng
- Glucid chiếm từ : 50 – 60% tổng năng lượng, không nên sử dụng các thực phẩm tăng đường huyết nhanh như: Khoai lang nướng, bánh mỳ, bột dong, đường kính, mật ong, …
- Lipid chiếm từ : 20 – 30% tổng năng lượng, nên sử dụng thực phẩm có ít chất béo bão hòa như: cá, thịt nạc, đậu phụ, lạc, vừng và các dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật: dầu đậu nành, dầu hướng dương…không nên sử dựng thức ăn: thịt mỡ, nội tạng động vật, dầu cọ, dầu dừa, hoặc các thực ăn chiên rán kỹ, sử dụng lại dầu đã sử dụng ở nhiệt độ cao: xào, rán…
- Protein chiếm từ: 15 – 20% tổng năng lượng, nên tăng cường sử dụng cá và thủy hải sản, thịt bò, thịt lợn ít mỡ, Ăn thịt gia cầm bỏ da. Có thể sử dụng trứng 2-4 quả/tuần, ăn cả lòng đỏ và lòng trắng.
- Vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng) nên chọn những trái cây có chỉ số đường huyết thấp: ổi, lê, táo, cam. Hạn chế trái cây có chỉ số tăng đường huyết nhanh: dưa hấu, vải, nhãn, xoài…
- Muối nên ăn nhạt. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: dưa muối, cà muối, mỳ tôm, xúc xích, …
- Đồ uống có chứa cồn nên sử dụng các loại nước không hoặc ít đường
- Rượu, bia: không quá 120-240mL rượu vang, 300-600mL bia, hoặc 30-60mL rượu mạnh.
Mức năng lượng của bệnh nhân cần được cá nhân hóa dựa trên: thói quen ăn uống, tình trạng sức khỏe, phác đỗ điều trị, phong tục tập quán…
- Thực hiện chế độ ăn phù hợp:
- Ăn đúng giờ
- Không nên ăn quá nhiều trong một bữa nên chia thành nhiều bữa nhỏ
- Khẩu phần ăn cân đối. Nên ăn nhiều rau xanh; hạn chế đồ ngọt (bánh,kẹo,…), chất béo từ động vật, thay thế bằng thức ăn chứa chất béo từ thực vật
- Tăng cường thức ăn chế biến bằng cách luộc, hấp. Hạn chế thức ăn rán, xào.
Khuyến cáo theo dõi đường huyết cho bệnh nhân tại nhà
Những bệnh nhân ĐTĐ típ 2 điều trị bằng các thuốc không phải là insulin hay sulfonylurea: Chỉ cần đo 2 – 3 lần mỗi tuần vào bữa ăn hoặc lúc đi ngủ để đánh giá hiệu quả của điều trị và thay đổi lối sống.
– Những bệnh nhân ĐTĐ típ 2 đang điều trị bằng các thuốc có thể gây hạ đường huyết (insulin, sulfonylurea):
- Đang điều trị insulin tích cực, nhiều mũi: Đo 4 lần/ngày, trước 3 bữa ăn và lúc đi ngủ.
- Điều trị insulin thông thường, tiêm 2 – 3 mũi/ngày: đo 3 lần/ngày vào trước 3 bữa ăn. Đo thêm 1-2 lần/ tuần vào lúc đi ngủ.
- Điều trị insulin nền cộng với insulin trước bữa ăn hoặc insulin nền phối hợp với thuốc uống: Đo 2 lần/ngày vào trước bữa ăn sáng và tối.
Bệnh nhân nên đo thêm khi có các dấu hiệu của hạ đường huyết hoặc khi thay đổi chế độ ăn, chế độ luyện tập. Còn sau khi đường huyết đã được kiểm soát tốt thì có thể giảm bớt số lần đo đường huyết.
DSCKI. Võ Thị Thanh Vân – Khoa Dược
Tài liệu tham khảo:
Bộ Y tế (2020), Quyết định Số: 5481/QĐ-BYT ngày 30/12/2020 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2”.
Nguồn: Hình internet