Phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Mùa hè – Mùa của khí hậu nóng ẩm – đây chính là thời điểm lý tưởng làm gia tăng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến hết tuần 11 năm 2021, toàn thành phố có 2.564 ca tay chân miệng, tăng gấp 2.5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca).
Mùa hè – Mùa của khí hậu nóng ẩm – đây chính là thời điểm lý tưởng làm gia tăng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến hết tuần 11 năm 2021, toàn thành phố có 2.564 ca tay chân miệng, tăng gấp 2.5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca).
Tại bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, tính từ đầu năm đến giữa tháng 4 năm 2021, bệnh viện đã tiếp nhận 113 ca bệnh đến khám và điều trị.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Hiện nay bệnh chưa có vắc xin dự phòng.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, nổi các bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Khi trẻ sốt cao, khó hạ, trên 39oC, sốt trên 2 ngày, trẻ nôn ói, đó là các trẻ có nguy cơ có biến chứng nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
  1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặt biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như chén, dĩa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.
  3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh,phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Trần Thị Ái Trinh – Phòng Kế hoạch tổng hợp
Tham khảo: Cục YTDP – Bộ Y tế, HCDC

Website đang trong quá trình nâng cấp. Truy cập cc.bvdkkvcuchi.vn để xem phiên bản cũ.

X